Tuesday, January 12, 2016

Viêm tuyến nước bọt


Viêm tuyến nước bọt: bệnh nhẹ nhưng dễ biến chứng
Mới đây, chị N.K.T (ngụ Q.3, TP.HCM) bị sưng đau một bên hàm trái, mỗi lúc ăn uống cứ nhức buốt. Đến một phòng khám nha khoa, bác sĩ cho biết chị bị áp xe nướu và khuyên nhổ bỏ răng. Tuy nhiên sau khi nhổ được một tuần mà bên hàm vẫn sưng đau. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết chị bị viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn.
Mất răng mà bệnh vẫn còn
Bs Tạ Thị Trúc Mai, phòng Răng-Hàm-Mặt, khoa khám bệnh - bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, không ít bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt bị nhổ răng oan uổng do chẩn đoán sai bệnh, trong khi tình trạng đau nhức vẫn không giảm.
Có 3 tuyến nước bọt chính ở ba vị trí khác nhau: mang tai, dưới lưỡi và xương hàm.
BS Tạ Thị Trúc Mai cho biết, viêm tuyến nước bọt là do giảm lưu lượng nước bọt, chấn thương ống tuyến nước bọt, tắt nghẽn lưu thông nước bọt. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc dị ứng. Ở những bệnh nhân mới đi làm răng (nhất là cài chỉnh nha), người có thói quen cắn má trong có thể làm sang chấn, vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống ống tuyến nước bọt, gây viêm. Khi bị chấn thương vùng hàm mặt (té, bóng đập) có thể làm tổn thương ống stenon, gây tắt nghẽn dòng chảy nước bọt. Những người có tiền sử bệnh mạch máu – tạo keo hoặc bệnh tự miễn có khả năng hệ thống ống tuyến bị tắt nghẽn dẫn đến viêm tuyến nước bọt. Ngoài ra, cơ thể suy dinh dưỡng, mất nước, khô miệng do dùng một số loại thuốc lợi tiểu, kháng histamin, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, phenothiazin, các thuốc chẹn – beta, các thuốc chống tiết nước bọt, thuốc dùng trong hóa trị ung thư… cũng làm giảm lưu lượng nước bọt dẫn đến viêm tuyến ngược dòng. Hoặc do virus lây truyền qua đường hô hấp, đường ăn uống.
Đối với trẻ nhỏ, khi mới sinh, miệng thường vô khuẩn nhưng vẫn có thể nhiễm khuẩn nếu bú sữa từ người mẹ không có sức đề kháng. Thể viêm hay gặp ở đối tượng này là viêm tuyến nước bọt mang tai cấp tính hoặc viêm tuyến nước bọt dưới hàm.
Viêm tuyến nước bọt chia làm hai dạng: viêm tuyến nước bọt đơn thuần (nguyên nhân do vi khuẩn) và viêm tuyến nước bọt do virus quai bị (bệnh quai bị).
Nếu bị viêm tuyến nước bọt đơn thuần, tại vị trí viêm (mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi) sưng to, nóng đỏ, nói và nuốt đều đau, sốt cao 38-39 độ; có thể đau họng, đau góc hàm. Còn viêm tuyến nước bọt do virus, bệnh nhân sốt 38-39 độ, vùng mang tai sưng to gây khó nói, khó nuốt, chỗ sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ.
Viêm tuyến nước bọt mang tai do nguyên nhân virus quai bị mặc dù có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý tại tuyến nước bọt do vi khuẩn hoặc viêm tuyến nước bọt dưới lưỡi, viêm tuyến nước bọt dưới xương hàm, một số bệnh lý u bướu tại răng miệng… vì có triệu chứng khá giống nhau.
Ngoài ra, triệu chứng đau nhức góc hàm, sưng hàm thường xuất hiện trong nhiều bệnh lý răng miệng như sâu răng, nứt răng, bệnh nướu răng… Vì vậy rất nhiều bệnh nhân nghĩ mình bị sâu răng rồi tự ý điều trị bằng cách nhét vôi trầu, bột ngọt, dầu mù u hoặc tự mua thuốc uống…
Không ít trường hợp viêm tuyến nước bọt đơn thuần, đáng lẽ có thể điều trị rất dễ nhưng vì trước đó có chỉ định điều trị sai mà bệnh diễn tiến thành mãn tính.
Dễ tái phát, nhiều biến chứng
“Đau nhức một bên hàm, khó ăn, khó nuốt có thể làm bệnh nhân khó chịu, hay sờ nắn chỗ nhức hoặc dùng tay thăm dò một số vị trí bên trong miệng. Chính động tác sờ nắn có thể gây nên tình trạng sưng , hoặc vô tình đẩy vi khuẩn thường trú quanh miệng lỗ tuyến vào trong ống tuyến gây viêm tuyến ngược dòng. Nếu xuất hiện các triệu chứng kể trên, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt càng sớm càng tốt” - BS Tạ Thị Trúc Mai khuyến cáo.
Nếu viêm tuyến nước bọt đơn thuần (nguyên nhân do vi khuẩn), mặc dù đều diễn tiến lành tính, chỉ tổn thương tại tuyến nước bọt nhưng phải kịp thời bệnh sẽ không tái phát. Ngược lại nếu để muộn (sau 7 – 10 ngày), bệnh diễn tiến thành mãn tính sẽ rất dễ tái phát (vài tháng tái phát 1 lần).
Còn với viêm tuyến nước bọt do virus quai bị, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm buồng trứng, viêm tuyến mang tai mãn tính… Bệnh gặp ở phụ nữ mang thai ba tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai…
Viêm tuyến nước bọt do virus quai bị ở người lớn tuy ít gặp hơn trẻ nhỏ nhưng lại có nhiều biến chứng hơn. Do đó, yếu tố quan trọng vẫn là phòng bệnh bằng cách tiêm đầy đủ vắc xin quai bị.

Nguyễn Lê

No comments:

Post a Comment