MÁI TÓC
Anh thường vuốt mái tóc ngắn cũn của cô, âu yếm bảo:
“Tóc em dài chắc là đẹp lắm!”. Những lúc như thế, cô chỉ vênh mặt cười. Biết
anh thích con gái tóc dài nhưng suốt ba năm yêu nhau, tóc cô vẫn ngắn như ngày
đầu tiên gặp anh.
Sau ba năm, anh và cô chia tay. Mỗi người một hướng
đi, cô thật lòng không mong ngày hạnh ngộ. Ngày cô có người mới, tóc cô bắt đầu
chấm vai. Mái tóc dài theo những ngày bình yên, hạnh phúc. Rồi một lần trong
quán quen, anh và cô gặp lại khi bên cạnh cả hai đều có một người của riêng
mình. Anh nhìn sững suối tóc xõa hờ hững bờ vai cô trong khi cô tránh nhìn mái
tóc hớt cao gọn gàng của cô gái bên anh. Cả hai giả lả nói cười, không dám nhìn
sự dỗi hờn đang hiện rõ trong mắt nhau.
Dẫu biết tóc ngắn, tóc dài không phải là lý do
chính đẩy anh và cô xa nhau, mà sao vẫn thấy nhói lòng…
TẤM BẢNG GIA ĐÌNH
Trong nhà bếp, nơi bức tường đối diện với bàn ăn có
một tấm bảng nhỏ. Hầu như ngày nào các thành viên trong gia đình cũng nhìn lên
tấm bảng ấy ít nhất một lần. Tấm bảng mang những lời dặn dò của mẹ: “Chị hai đi
học về nhớ cắm nồi cơm” hay: “Út phải tắm trước năm giờ chiều”. Hai chị em
không ai bảo ai, cứ thế làm theo.
Tấm bảng còn mang những thông báo ngắn gọn: “Chiều
nay ba về trễ”, “Có dưa hấu trong tủ lạnh”.
Thi thoảng lại có những lời xin xỏ của hai chị em: “Con đi dự sinh nhật bạn, sẽ
về trước chín giờ” hay “Cho út ăn hai thanh sô cô la, mẹ nhé”.
Có lần ba về muộn, mẹ hết đi ra đi vào lại đến bên
giường sửa mền gối lại cho hai chị em. Khi ba về, mẹ nghe trong hơi thở nặng
mùi bia của ba có vướng vất mùi nước hoa nhưng mẹ không nói gì, lẳng lặng pha
nước chanh cho ba uống. Sớm hôm sau, mấy cha con cứ lấm lét nhìn mẹ rồi liếc tấm
bảng hoài. Tấm bảng trống trơn, im lìm trong không khí nặng nề đáng sợ của gia
đình.
Một ngày, hai ngày, đến ngày thứ ba trùng với sinh
nhật út. Buổi chiều đi làm về, mẹ tủm tỉm cười khi thấy nét chữ gà bới của út:
“Mẹ ơi, chúc mừng sinh nhật con đi mẹ!” Nắn nót ngay bên dưới là chữ của ba:
“Ba xin lỗi mẹ, ba không dám vậy nữa đâu”. Thế là huề. Cả nhà ra quán ăn sinh
nhật, cũng là mừng ba mẹ hết chiến tranh lạnh.
Thời gian trôi, gia đình chuyển sang nhà mới rộng
rãi, khang trang hơn. Tấm bảng cũ đã được thay mới. Giờ không chỉ chị hai mà cả
út cũng được trang bị điện thoại di động. Ba mẹ vắng nhà thường xuyên hơn nhưng
không phải đi cùng nhau, có việc gì chỉ cần “a lô”. Chị hai âm thầm cặp bè cặp
bạn, còn út tha hồ chơi game, cúp học, ba mẹ vẫn không hay biết.
Chỉ tội cho tấm bảng trắng vô hồn và cây bút lông
hiếm ai đụng đến trong phòng ăn vắng ngắt.
Những tin nhắn đôi khi gian dối, những cuộc gọi bao giờ cũng vội vã thì làm sao
có thể nối kết gia đình khi mà tiền tài danh vọng và những vui chơi phù phiếm
bên ngoài chưa đẩy họ xa nhau…
CÓ PHẢI TÌNH YÊU
Tôi gặp Bình, người trùng tên với tôi, nơi giảng đường
đại học. Hôm đầu tiên đến giảng đường, do trễ giờ nên Bình xăm xăm lên bàn đầu,
ngồi xuống chỗ trống bên cạnh tôi và
quay sang làm quen bằng cách nhờ tôi mỗi ngày giữ chỗ dùm. Hai đứa trở
nên thân thiết từ đó.
Bình cao lớn, học giỏi, tính tình hào hiệp nên xung
quanh không thiếu những cô gái đem lòng ngưỡng mộ. Cậu ấy hầu như không bỏ qua
bất kỳ hoạt động đoàn thể nào. Còn tôi nhút nhát, thường rúc vào vỏ ốc của
mình, thích vẩn vơ với cây cỏ, mây trời. Chúng tôi vô tình bổ sung cho nhau, gắn
bó trong học tập lẫn trong cuộc sống của những sinh viên tỉnh lẻ xa nhà.
Bình bộc trực, nghĩa khí đến nỗi đôi khi tự làm khó
mình. Điều gì thấy trái tai gai mắt, Bình lên tiếng ngay. Bình đã từng đại diện
cho mấy ngàn sinh viên của trường để phản đối những tắc trách của một số người
trong phòng giáo vụ hay những bất công của một số giảng viên. Ở lớp xảy ra chuyện
bất hòa, tranh cãi, Bình đều đứng ra can thiệp…
Suốt bốn năm đại học, chúng tôi mỗi người theo đuổi
lý tưởng riêng: Bình học sư phạm để đem chữ đến vùng sâu, vùng xa; tôi chọn nghề
giáo vì tôi yêu trẻ. Phấn đấu hết mình để ngày ra trường, mắt đứa nào cũng đỏ
hoe mà miệng cười mãn nguyện. Chưa bao giờ Bình nói yêu tôi, ngay cả khi chỉ
còn hai đứa ở ký túc xá, khi ngày chia tay đã được khoanh tròn trong cuốn lịch
bàn.
Bình về quê, tham gia một khóa huấn luyện rồi theo
binh nghiệp như ý nguyện của cha. Tôi ở lại thành phố, trầy trật tìm việc, chấp
nhận làm thư ký cho một công ty tư nhân. Ước mơ thời đại học ngủ quên trong những
trang sách phai màu nơi đáy tủ.
Đợi chờ lần lữa mãi rồi tôi cũng có người yêu, lấy
chồng, sinh con, sống một cuộc sống bình thường. Thảng hoặc nghe tin Bình qua bạn
bè cũ, biết Bình vẫn độc thân, còn mãi dấn bước trên con đường công danh và đã
qua rồi lòng nghĩa hiệp ngày ấy…
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, có phải thế không?
Nhưng Bình và tôi chưa từng có lời yêu, sao lại khó quên nhau đến thế?!
VÔ TÂM
Anh nhẹ nhàng bảo: “Mình gặp nhau ít ít thôi, anh
nhiều việc quá”. Cô tự ái: “Tùy anh”, nhưng đêm đó, cô khóc rấm rứt một mình.
Anh tranh thủ ghé nhà cô vài lần trong tuần, có khi
chỉ trong vòng 15 phút. Nhiều hôm cô trông ngóng nhưng chỉ nghe giọng anh qua
điện thoại. Một lần đang cô đơn, nghe một nam đồng nghiệp gọi mời, cô nhận lời
đi uống cà phê. Anh linh cảm nên gọi điện, giọng rất trầm: “Anh muốn chuẩn bị
những gì tốt nhất trước khi đón em về”.
Một năm sau, anh gầy rộc đi, nhưng ánh mắt thì hạnh
phúc vô bờ khi đưa cô đến ngôi nhà nhỏ mới mua.
Cô thấy mình thật vô tâm…
NHỮNG MẢNG SÁNG
Bạn sinh ra ở một vùng quê nhỏ
phương Bắc, lần đầu tiên có dịp vào thành phố phồn hoa đô hội nhất phương Nam
nên nôn nao lắm, từ tháng trước đã lập kế hoạch cụ thể sẽ đi thăm thú những
đâu. Hôm chở bạn từ nhà ga về khách sạn, mình hoảng hồn khi nhìn qua kính chiếu
hậu xe máy, thấy bạn giơ điện thoại lên chụp cảnh đường phố liên hồi, rồi hí
hoáy bấm bấm bàn phím. Không muốn cảnh báo bạn nhiều lần về nạn giựt dọc xảy ra
như cơm bữa, vì ngại bạn... ác cảm với thành phố của mình, nên vừa điều khiển
xe mà vừa căng mắt nhìn trước ngó sau, thấy ai khả nghi là mình tấp xe vào sát
lề ngay. “Lịch sử lặp lại” ở những lần sau nên lần nào chở được bạn cùng tài sản
về “an toàn” là mình thở phào nhẹ nhõm.
Trước ngày bạn trở về quê,
mình đưa bạn ra cái chợ nổi tiếng nhất thành phố để mua quà biếu. Mọi chuyện suôn
sẻ cho đến khi gần về tới khách sạn thì mình nghe một người đi đường chạy theo
nhắc bạn đội nón bảo hiểm. Hóa ra bạn đã để quên ở bãi xe chiếc nón mình mượn
cho bạn dùng tạm. Quay lại đó mình không ngại xa, nhưng chắc gì “hiện trường” vẫn
giữ nguyên, không chừng sẽ làm bạn “hỏng hình tượng” thành phố vì vấn nạn... sơ
hở là mất. Thấy bạn một mực đòi quay lại, mình chìu theo mà bụng thầm khấn
vái... Không ngờ chú giữ xe xác nhận đang giữ một chiếc nón mà khách hàng nào
đó phát hiện nó tạm trú trên yên xe của họ. Bạn cười tươi như hoa: “Thấy chưa,
mình đã nói không mất đâu mà”. Mình cười tươi còn hơn bạn.
Bạn tạm biệt với lời hẹn sẽ
quay lại khiến mình yên lòng chưa lâu thì trên chuyến tàu về bắc, bạn lo lắng gọi
điện: “Tớ để quên sợi dây chuyền rồi. Hình như trong toilet”. Mình trở lại
khách sạn chỉ cầu may, và mừng khôn xiết khi nghe tiếp tân báo người dọn phòng
của họ nhặt được... Cảm ơn sự thật thà, không tham lam của những người dân
thành phố! Cảm ơn cả bạn và chuyến đi ít ngày nhưng nhiều kỷ niệm, cho mình còn
tin vào những mảng sáng tươi đẹp của bức tranh cuộc sống...